Ruou lang Van

Rượu làng Vân

Rượu Làng Vân

Dung tích:

Loại hàng:

Giá: 70,000 VND/bình

Rượu Làng Vân, mỹ tửu miền Bắc. Được dùng nhiều để làm quà tặng trong các dịp buổi tiệc, lễ tết và là thức uống ở các nhà hàng, quán ăn lớn như một đặc sản của Việt Nam. Nếu ở SG bạn có thể tìm mua tại RuouNgam.com hoặc có dịp ghé quán Ngon - Nam Ky Khoi Nghia để thưởng thức (dân SG chắc ai cũng biết quán này)


Bài viết: RƯỢU LÀNG VÂN
Rượu làng Vân
Lịch sử làng Vân thông qua những câu chuyện cổ tích của bà vẫn thường kể cho cháu nghe nói rằng, “làng Vân nằm bên sông Cầu quanh năm ăm ắp nước, có nghề truyền thống nấu rượu. Nghề đã có từ lâu, lâu lắm. Ban đầu chỉ là những xóm nhỏ mọc ven bên bãi sông, sau thành làng, thành tổng. Nấu rượu đã trở thành một nghệ thuật cùng với những bí quyết mà ông tổ làng nghề đã từng căn dặn con cháu phải luôn gìn giữ chỉ riêng cho làng Vân. Khi thực dân Pháp đến làng, họ tập trung tất cả dân làng về một nhà máy ở ngay đầu làng bắt mọi người phải nấu rượu. Khi rượu thành phẩm, những con tàu theo dòng sông Cầu cập bến và chở sang nước Pháp. Rượu nếp cái hoa vàng làng Vân theo đó mà đi muôn phương...”. Rượu làng Vân từ xưa đã nổi tiếng là thơm ngon nhờ hương liệu của nếp cái hoa vàng - thứ nếp đặc biệt thơm ngon hòa cùng men rượu bí truyền của làng Vân sau 72 giờ ngâm ủ mới cho ra rượu nếp như một thứ tinh túy nhất của trời đất ban tặng cho con người. Nhưng đó là chuyện của ngày xưa. Nay làng Vân vẫn còn nấu rượu, nhưng đã chuyển sang dùng một loại nguyên liệu khác đó là sắn.

Sắn khô được nhập về từ Hòa Bình, Yên Bái, Thái Nguyên, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn... thái thành khúc bổ dọc, dài khoảng 5 - 7 cm. Sắn khô sau khi được tuyển chọn cho vào thùng, chậu ngâm vài ba giờ để lơi vỏ. Sau đó rửa sạch cho vào hấp chín và trộn men đem ủ. Đủ một ngày đêm đem ngâm lên men trong chum bằng sành. Khi đã dậy mùi đem vào lò ra rượu. Công đoạn làm rượu sắn không khác nhiều so với rượu gạo, duy chỉ có loại men. Anh Nguyễn Đức Minh, một trong những chủ lò rượu sắn lớn của làng Vân cho biết: “Trước đây chúng tôi đều nấu rượu gạo, có công có việc lớn cần rượu ngon thì nấu nếp cái hoa vàng, nhưng hơn chục năm trở lại đây nhà đã chuyển hoàn toàn sang nấu rượu sắn. Rượu sắn vừa rẻ, ngon lại tiêu thụ mạnh. Mỗi lít rượu sắn chỉ 3.000 đồng, trong khi đó nấu rượu gạo, rượu nếp cái hoa vàng bán trên 10.000 đồng, ít người mua. Chủ hàng đến thường không chú ý đến loại rượu nào, mà chỉ thấy loại nào rẻ nhất là mua. Mặt khác rượu sắn cũng thơm, ngon không khác rượu gạo là mấy. Nếu không tinh, không phải “con nhà rượu” thì khi cho uống khó có thể phân biệt được đâu là rượu sắn, đâu là rượu gạo...”. Không chỉ riêng gia đình anh Minh mà gần 800 hộ ở làng Vân bây giờ chỉ chuyên tâm nấu rượu sắn. Với người dân làng Vân chất lượng rượu sắn vẫn tương đương với rượu gạo, nhưng anh Minh và một số “tay rượu” trong làng mà chúng tôi đến thăm khẳng định giới thương lái đang làm mất đi uy tín của rượu làng Vân, họ chỉ dùng 1/3 rượu sắn của làng Vân sau đó cho cồn mía vào và trộn thêm nước lã cho đủ độ cồn. Nghĩa là rượu sắn ở làng Vân khi đến với người tiêu dùng cũng chỉ còn 1/3 chất lượng. Đây là một vấn đề đáng báo động mà với người tiêu dùng - những người không bao giờ biết được mình đang được dùng loại rượu nào.

Giữ hương cho “mỹ tửu vùng biển Bắc”

“Cả làng Vân bây giờ đều xắn tay nấu rượu sắn, nhưng cũng cả làng Vân không ai biết uống rượu sắn...”. Ông Tam, một cao niên ở làng cho chúng tôi biết. Dù cả làng nấu rượu sắn nhưng khi uống rượu họ lại tìm đến lò rượu nếp cái hoa vàng cuối làng để mua. Chủ nhân duy nhất của lò rượu nếp cái hoa vàng là vợ chồng anh Nguyễn Đức Hạnh và vợ là Diêm Thị Dung. Khi chúng tôi tìm đến nhà, hai vợ chồng vẫn đang hì hụi ở hai lò rượu, một đặt ngay đầu cổng ra vào, một đặt ngay cuối bếp. Dưới nhà ngang, cậu con trai vẫn đang đều tay đảo cơm nếp trộn đều men rượu. Có đến gần chục thúng cơm nếp đang được ủ, trùm kín bằng ni lông và bì đay. Chị Dung lột tấm ni lông phủ thúng cơm nếp đang lên men, một mùi thơm đặc biệt bốc lên. “Cả làng này bây giờ chỉ còn gia đình tôi nấu rượu nếp cái hoa vàng thôi. Nguyên liệu đắt, rượu bán tới 12.000 - 15.000 đồng/lít nên chỉ người sành rượu mới dám mua”. Chị Dung vừa nói, vừa lấy que sắt dài cứa ngang thành nồi đưa sang một bên. Một nồi rượu đã hoàn thành. Bã rượu thơm lừng khiến đám lợn trong chuồng đòi ăn réo inh tai.

Với gia đình chị Dung, không chỉ những người trong làng hàng ngày đến mua rượu về nhà uống, mà khách tận các tỉnh xa như Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định... đã quen vẫn thường xuyên đến đặt hàng và mua về dùng. Anh Hạnh cho biết thêm: “Nghề nấu rượu đã truyền từ đời này sang đời khác, mà nguyên liệu hàng trăm năm nay vẫn là nếp cái hoa vàng. Nhờ nguyên liệu này mà cho thứ rượu đặc biệt, nhờ hương liệu này mà rượu làng Vân đã nổi tiếng, đã khẳng định tên tuổi. Vì vậy mà chúng tôi vẫn quyết đi theo nghề truyền thống, đi theo nguyên liệu truyền thống của cha ông dù gặp rất nhiều khó khăn so với việc nấu rượu sắn...”.

Cổng chào làng Vân hàng trăm năm nay vẫn khắc ghi câu đối: Vân hương mỹ tửu lừng biển Bắc / Chiến công Như Nguyệt rạng trời Nam. Ông Nguyễn Đình Tạ, Chủ tịch UBND xã Vân Hà (Việt Yên, Bắc Giang) cho chúng tôi biết: “Nấu rượu đã trở thành nghề truyền thống từ xa xưa của làng Vân. Sự chuyển đổi nguyên liệu từ gạo sang sắn là do nhu cầu của thị trường. Hiện nay xã đang có đề án khôi phục lại nghề nấu rượu gạo. Ban đầu khoảng 1/3 số hộ có vốn sẽ chuyển sang nấu rượu gạo. Nếu thành công thì cả làng lại chuyển sang nấu rượu gạo truyền thồng...”. Hy vọng rằng, cùng với đề án khôi phục làng nghề do Chủ tịch UBND xã trực tiếp chỉ đạo, làng Vân lại hồi sinh bằng nghề rượu gạo truyền thống.

Cuộc Sống Việt

1 nhận xét:

  1. Rượu này ko phải rượu nhà anh Hạnh Chị Dung.

    Trả lờiXóa