Rượu Bầu Đá đặc biệt, chính gốc. Chứa trong Bình sứ vòi rồng, phụng. Đẹp, sang trọng. Phù hợp để làm quà biếu, hoặc làm lễ vật...
Dung tích:
Loại hàng:
Giá: 75,000 VND / hộp
Dung tích:
Loại hàng:
Giá: 75,000 VND / hộp
Bài viết: Rượu bàu đá - đệ nhất hay đệ nhị danh tửu
Danh thơm của rượu Bàu Đá-Bình Định cho đến nay quả thực không chỉ lưu trong bộ nhớ của các đệ tử lưu linh bản địa mà đã vang xa khắp nơi, thấm thía trong dư vị, lâng lâng các cuộc vui tửu đạo của bao người. Xưa, thi sĩ Tản Đà-Nguyễn Khắc Hiếu trong một lần dừng chân ở đất An Nhơn-Bình Định đã cao hứng phán rằng: “Bàu Đá đệ nhị danh tửu” tức chỉ đứng sau “đệ nhất Làng Vân”. Còn mới đây, thi sĩ Nguyễn Duy, sau một chuyến “ăn nhậu xuyên Việt” đã cân nhắc… ba tấc lưỡi của mình rồi bảo: “Bàu Đá đệ nhất danh tửu”. Chẳng biết ai đúng ai sai, chẳng dám lạm bàn nhưng chính từ sự cao hứng của các tiền bối mà một ngày trong tiết xuân, tôi đã về làng rượu Bàu Đá…
Rượu của làng, làng của rượu
Những ai từng hành trình qua miền Trung bằng đường QL1, khi qua địa phận huyện An Nhơn, Bình Định, đều ấn tượng bởi hai món đặc sản bản xứ là nem Chợ Huyện và rượu Bàu Đá. Đặc biệt, rượu Bàu Đá được bày bán khá nhiều hai bên đường từ Qui Nhơn ra đến Bồng Sơn, Tam Quan.
Có người bảo, rượu Bàu Đá thực ra có gốc tích từ Tây Sơn; cũng có người cho rằng rượu Bàu Đá là rượu của dân quanh thành Đồ Bàn. Tôi đã từng nhiều lần uống rượu Bàu Đá ở Tây Sơn và cũng từng lang thang nhiều lần trong nhiều năm ở vùng thành Đồ Bàn (Nhơn Hậu, An Nhơn, Bình Định).
Nhưng, không phải rượu Bàu Đá phát tích từ Tây Sơn hay Nhơn Hậu mà nó là sản vật trời cho của xóm Bàu Đá, thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc (An Nhơn-Bình Định). Tôi từng biết đến địa chỉ này nhưng quả thật chỉ mới loanh quanh ở vòng ngoài chứ chưa vào tận thôn Cù Lâm. Chuyến đi này, để cho “chắc ăn”, tôi đã nhờ nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng (Chủ tịch Hội VHNT Bình Định) làm “hướng dẫn viên du lịch”. Rất may là anh đã vui vẻ nhận lời.
Từ thị trấn Bình Định, ngược lên hướng đi Tây Sơn, Nhơn Lộc, cách QL1 chừng 5-7km số. Đường làng nhỏ nhưng hầu hết đã bê tông hoá, hai bên đường là cánh đồng lúa xanh rì. Dấu làng xưa còn lưu lại với nhà thờ Pháp cổ, trường giòng, chợ trâu v.v… Rồi dòng sông Côn hiện ra trước mặt với cát trắng, nước trong, hai bên bờ tre xanh ngả bóng. Qua cầu, quẹo tay trái là vào đến thôn Cù Lâm.
Chúng tôi lội bộ đi trên bờ ruộng để vào làng. Mé bên phải, phía trước làng có một ngôi miếu mà dân ở đây quen gọi là Miễu Bàu Đá. Cách Miễu Bàu Đá không xa là một cái bàu nước có tên là Bàu Đá. Không một nhân chứng nào minh định được chuyện trước đây có một cái Bàu Đá thực sự hay không nhưng bây giờ không thấy một tảng đá nào, còn cái bàu nước thì cũng đã cạn, dùng để trồng rau muống. Tôi đồ rằng, có lẽ nguyên cái làng này, trước đây là một cái bàu nước khổng lồ. Bây giờ cái mạch nước đó vẫn còn ngầm chảy khắp nơi trong làng(?!).
Làng chỉ có chừng 40 nóc nhà yên vắng, thanh bình. Ở đây, hầu như nhà nào cũng nấu rượu. Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng dẫn tôi vào nhà ông Tám Cọng-người được xem là nghệ nhân nấu rượu kỳ cựu nhất ở làng. Ông Tám Cọng đang khoác chiếc áo mới chuẩn bị đi ăn đám giỗ ở nhà bên nhưng thấy chúng tôi liền hồ hởi đón tiếp. Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng với ngôi nhà này, cái làng này là một khách tri kỷ nên được tiếp đón hân hoan đã đành, đối với khách lạ là tôi thì cả gia đình ông Tám Cọng cũng nồng hậu đón tiếp như một người “ở quê ra”.
Ông Tám Cọng hóm hỉnh: “Đã lên tivi nhiều rồi, nói nhiều rồi. Bây giờ không nói nữa mà hãy uống rượu thôi”. Nói rồi, ông lấy từ hộc tủ ra cái bình rượu bé xíu, rót ra ly. Cái cách rót rượu của ông Tám Cọng khá điệu nghệ: ông vừa rót vừa kéo cao cái bình lên, đến chừng cao quá đầu người một chút thì dứt, vừa lúc ly rượu cũng tràn đầy, không văng ra ngoài một giọt. Một ly rượu đầy vun, khắp mặt sủi tăm li ti đẹp mắt. Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng từng ví: “Như có một con cá sống đang nằm thở dưới đáy ly”. Còn bây giờ chúng tôi… nín thở trong một giây để uống trọn ly rượu Bàu Đá. Rượu chạy đến đâu nóng đến đó, dứt ly rượu bất giác chợt buông một tiếng “khà”, sau âm thanh đó, chợt nghe dâng lên một dư vị… Ông Tám Cọng quan sát chúng tôi, nheo mắt cười, vẻ đắc ý.
Người của làng, người của nghề
Cái cách rót rượu điệu nghệ mà ông Tám Cọng vừa trình diễn cho chúng tôi xem, ông gọi đùa là: “Rót rượu như Hoàng Chinh hát bội” tức lên cao rồi dứt luôn chứ không cần hạ xuống. Tôi chưa được nghe kép hát bội Hoàng Chinh (một kép hát nổi tiếng của nhà hát tuồng Đào Tấn-Bình Định) trổ tài nhưng quả thật tài rót rượu như ông Tám Cọng quả là hiếm có.
Tạm dứt cuộc vui, ông Tám Cọng đi ăn đám giỗ. Thay ông tiếp chúng tôi là người con rể của ông. Anh H. tâm sự: “Bà già mất cách đây vài tháng, ông già tuổi đã cao. Tôi cũng có nhà bên Tân Lập nhưng vì nghề nấu rượu gia truyền nên phải về đây. Ban ngày vợ chồng tôi ở đây nấu rượu, ban tối một mình tôi lại về coi nhà bên Tân Lập. Vợ chồng mỗi ngày đều giáp mặt nhau nhưng lại không được… gần nhau, như thế cũng buồn.
Nhưng học nghề nấu rượu này đâu phải dễ, đành phải “hy sinh” thôi”. Nói xong, anh H. cười hồn nhiên. Tôi hỏi anh đâu là bí quyết của nghề làm rượu Bàu Đá. Anh H. nói: “Nói thật là không thể nói ra được nhưng cũng có thể nói là không có bí quyết gì cả. Tất cả nằm ở kinh nghiệm nấu rượu và sử dụng nguồn nước. Phải nói rượu ở đây ngon là nhờ nguồn nước. Ở các thôn khác của Nhơn Lộc như Tráng Long, An Thành, Trường Cửu, Tân Lập, Đông Lâm v.v… đều có nấu rượu Bàu Đá nhưng không ngon bằng ở chính thôn Cù Lâm này”.
Tôi hỏi, làm thế nào để biết rượu Bàu Đá thật và rượu Bàu Đá giả thì anh H tủm tỉm cười: “Người sành rượu thì chỉ cần nghe mùi rượu cũng biết rồi. Còn có một cách để biết rượu lò nào ngon hơn là khi vào lò, anh chỉ cần nhìn cái… bã hèm là biết. Một nồi rượu ngon thì bã hèm gần như còn nguyên thơm phức, còn hèm cạn kiệt xơ xác tức lợi nước, được nhiều rượu nhưng chắc chắn không ngon. Rượu ngon là nhờ lấy số ít để đạt chất lượng”.
Dạo quanh làng, thăm hỏi nhiều hộ nấu rượu khác, tôi được biết, trung bình mỗi lò rượu một ngày nấu 2 hiệp (2 nồi) được chừng 5-7 lít; giá một lít là 7.000đ. Như vậy, thu nhập của mỗi gia đình chỉ được chừng vài ngục ngàn một ngày. “Chỉ có thương lái là giàu chứ tụi tui nấu rượu cũng chỉ để lấy hèm nuôi heo” - chị M., một người nấu rượu trong làng, cho biết. Chị còn nói thêm: “Nhờ nấu theo kiểu thủ công, sử dụng men nội nên rượu Bàu Đá mới được tiếng ngon.
Nhưng bây giờ cũng có một số hộ sử dụng men Tàu, rượu nấu được nước, nhưng chắc là không ngon. Ai cũng biết vậy, nhưng nhiều khi “cái khó bó cái khôn”…”
TRẦN NHÃ THUỴ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét