Cobratoxan và thê giới mãng xà

 Không chỉ là câu chuyện bảo tồn động vật quý hiếm, đó còn là cuộc đua của một bác sĩ khi chọn cho mình công việc “sống” với rắn, cố gắng “hiểu” chúng càng nhiều càng tốt để nhanh chóng cứu sống những nạn nhân không may bị rắn độc cắn…
Bác sĩ Vũ Ngọc Lương hơn 20 năm nay “sống” với rắn độc và coi rắn là nghiệp. Ảnh: Trung Dũng
Đó là câu chuyện về đại tá bác sĩ Vũ Ngọc Lương, phó giám đốc trung tâm Nuôi trồng nghiên cứu chế biến dược liệu quân khu 9 (Tiền Giang).
Nghiệp rắn
Lúc chúng tôi có mặt tại trung tâm, bác sĩ Lương đang “bơi” trong một đống tài liệu về chương trình bảo tồn và khai thác nguồn gien của rắn do ông làm chủ nhiệm. Trên các trang tài liệu ghi rõ thời gian biểu về kế hoạch chăm sóc, cho ăn, thời gian thu nọc rắn và tình hình sinh sản của mười loài rắn quý hiếm. Trong đó, đáng chú ý là hai loài rắn nằm trong danh mục Sách đỏ: hổ mang đất và hổ chúa, được đưa vào chương trình bảo tồn đã mười năm nay, đã sinh sản nhân tạo thành công và đây là giai đoạn khai thác nọc rắn để sản xuất thuốc cobratoxan (chữa viêm khớp), sản xuất huyết thanh chữa rắn cắn, thuốc y học dân tộc... “Mỗi ngày, phải liên tục cập nhật thông tin về rắn. Con nào ốm đau, bỏ ăn phải kịp thời đưa vào “bệnh viện” để chăm sóc… Phần lớn thời gian trong ngày chúng tôi sống với rắn, coi rắn là... nghiệp”, bác sĩ Lương nói.
Hơn 20 năm “sống” với rắn độc, bác sĩ Lương thuộc lòng tính nết, “hộ khẩu” trước đây của những con rắn giống nuôi trong trại. 150 con hổ mang chúa, 250 con hổ mang đất được ông và các đồng nghiệp thu thập từ nhiều địa điểm trong cả nước. Bên chuồng những con rắn độc dài gần 10m luôn phùng mang hăm doạ, bác sĩ Lương kể: “Hồi đó có khi phải mò về U Minh, cắm trại trong rừng vừa tìm rắn vừa học hỏi thầy rắn địa phương về kinh nghiệm bắt rắn, chăm sóc chúng”. Có những chuyến bác sĩ Lương cùng đồng nghiệp phải lên vùng Bảy Núi (An Giang) tìm rắn mấy tuần liền. Gần 30 năm, trung tâm mới tập hợp được đàn rắn giống như hiện nay. “Để ép rắn chịu sống trong điều kiện nuôi nhốt, chúng tôi mất rất nhiều thời gian. Phải thay đổi quy mô nuôi nhốt từ chuồng lớn, rồi từ từ thu hẹp, nếu không rắn sẽ bỏ ăn và chết”, ông Lương cho biết. Khi đã thuần được rắn, công việc thách thức tiếp theo là cho rắn đẻ. “Các loài rắn khác thì dễ, riêng rắn hổ chúa, mãi đến năm 2000 mới chịu đẻ nhưng tỷ lệ sống của rắn con chỉ 5 – 10%”, bác sĩ Lương nói thêm.
Hiểu được rắn mới cứu được người
Cứu sống 100% trường hợp bị rắn độc cắn
Bác sĩ trung tâm đang chăm sóc cho người bị rắn cắn. Ảnh: Trung Dũng
Trung tâm Nuôi trồng nghiên cứu chế biến dược liệu quân khu 9 cách trung tâm thành phố Mỹ Tho khoảng 9km. Được thành lập đã 30 năm, trung tâm hiện đang nuôi hơn 40 loài rắn, trong đó có 10 loài rắn quý. Ngoài nhiệm vụ bảo tồn và khai thác nguồn gien, trung tâm còn thành lập khoa cấp cứu và điều trị rắn độc cắn. Năm 2010, hơn 1.100 bệnh nhân đã tới đây và 100% được cứu sống.

Khi về trung tâm, chuyên môn chính của bác sĩ Lương là trị rắn độc. Thế nhưng mải mê nghiên cứu nọc rắn, chữa trị cho các bệnh nhân bị rắn độc cắn, ông đi sâu vào nghiên cứu loài này và trở thành “thầy rắn”. Từng là chủ nhiệm khoa cấp cứu và điều trị rắn độc cắn, ông và đồng sự đã cứu sống hàng ngàn bệnh nhân. “Tôi và các anh em ở đây nhiều năm nay nghiên cứu rắn song song với công việc của một bác sĩ. Muốn chữa rắn độc cắn, không cách nào khác phải nghiên cứu kỹ về chúng”, bác sĩ Lương cho hay.
Khoa cấp cứu có 20 giường bệnh. Bác sĩ Lương và các đồng nghiệp ở đây phải trực 24/24 bởi không chỉ người trong tỉnh mà bệnh nhân từ Bình Dương, Đồng Nai, Bến Tre... cũng thường xuyên đến đây cầu cứu. Họ được miễn phí tiền thăm khám, chạy chữa. Từ việc chẩn bệnh qua vết thương, triệu chứng toàn thân, đến nay bác sĩ Lương đã tăng cơ hội sống cho bệnh nhân qua việc khám chỉ bằng mắt. Tuy nhiên, vẫn có những bệnh nhân mà vết thương đã gây hoại tử trên diện rộng, điều trị cả tháng trời mới khỏi. “Chúng tôi phải phẫu thuật, phục hình, làm sao hạn chế tối thiểu trường hợp cắt chi của họ. Vậy mà có những bệnh nhân do để quá trễ, buộc phải cắt một phần tay, chân”, bác sĩ Lương trầm ngâm...
Hơn 20 năm nay, đại tá Vũ Ngọc Lương phải “phân thân” khi thì làm thầy nuôi rắn, khi làm bác sĩ chữa trị rắn độc cắn cho người dân như thế.


BÀI VÀ ẢNH: TRUNG DŨNG


Nguồn: sgtt.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét